Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên

2021-03-03 15:24:00.0

 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,
Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, cùng lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đại biểu trồng cây tại khuôn viên
Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc

Việc áp dụng phần mềm quản lý, cấp mã số để theo dõi, chăm sóc, bảo vệ toàn bộ số cây xanh được trồng chính là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa quyết tâm chuyển đổi số mà tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (được gọi là Công nghiệp 4.0) diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng thì việc chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là sự tất yếu, là yêu cầu bắt buộc. Việc chuyển đổi số tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân... Nắm bắt điều này, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Nguyên chung sức thực hiện chuyển đổi số với ba trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu tổng quát của tỉnh Thái Nguyên là phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 vươn lên thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Ngày 31/12/2020, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
đã chủ trì Hội nghị
BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để cho ý kiến và thông qua một số
nội dung quan trọng, trong đó thông qua Nghị quyết số 01-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình
chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030

Về những mục tiêu cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ có trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; trên 90% tổng số hồ sơ công việc cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung; trên 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số. Cùng với đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm trên 20% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã và trên 80% hộ gia đình; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%...

Trong rất nhiều diễn đàn, cuộc làm việc với lãnh đạo địa phương, đơn vị và doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên nhắc đến mục tiêu, nhiệm vụ và thể hiện rõ quyết tâm thực hiện thành công công cuộc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Chuyển đổi số sẽ là “chìa khóa” giúp Thái Nguyên hiện thực nhiều giấc mơ, giấc mơ này tiếp nối giấc mơ khác. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ
khảo sát tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thái Nguyên (ảnh chụp tháng 8/2020)

Để thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên có những thuận lợi không nhỏ. Đáng chú ý nhất, Thái Nguyên là tỉnh thứ 4 trong cả nước có Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung, với Khu CNTT tập trung Yên Bình. Đây là dự án nằm ở trung tâm trong tổng thể quy hoạch Tổ hợp Yên Bình, thuộc thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình có quy mô trên 545 ha; tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự kiến trên 4.200 tỷ đồng. Khu CNTT này được quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới đến phát triển dự án về lĩnh vực CNTT - truyền thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 14/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung Khu CNTT tập trung Yên Bình - giai đoạn 1 với quy mô 200 ha vào Quy hoạch tổng thể phát triển Khu CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Việc bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung của giai đoạn 2 dự án (diện tích 345,82 ha) sẽ được báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trên cơ sở tình hình kết quả thực hiện của giai đoạn 1 và căn cứ vào quy hoạch chung của địa phương và ngành Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, hạ tầng viễn thông của Thái Nguyên cũng được đánh giá tương đối tốt, việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính qua mạng đạt 34,87%, tỷ lệ xử lý hồ sơ điện tử đạt 65,84%. Mạng lưới cáp quang được kéo đến 98% số xóm, bản, tổ dân phố, trong đó 52% số hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng, tốc độ cao. Toàn tỉnh có 1.650 điểm thu phát sóng cung cấp dịch vụ điện thoại di động, truy nhập Internet đến 99% số xóm, bản, tổ dân phố, trong đó gần 70% số thuê bao có sử dụng dịch vụ truy nhập Internet 3G, 4G. Công nghệ số đang được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ; xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và đại biểu khai trương
Trung tâm Giám sát an toàn thông tin tỉnh Thái Nguyên

Cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm và những giải pháp cụ thể của các cấp, các ngành, tỉnh Thái Nguyên đã lựa chọn, triển khai thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương còn nhiều khó khăn hoặc đơn vị đặc thù. Đó là các xã: La Bằng (Đại Từ), Sảng Mộc (Võ Nhai) và ATK Định Hóa. Tại xã La Bằng (Đại Từ), các đơn vị đã kết nối 21 camera về trung tâm điều hành; lắp đặt 1 màn hình 55 inch; 2 máy vi tính; 1 máy chủ. Đến nay, 100% cán bộ, công chức xã được cấp hòm thư điện tử, được tập huấn ứng dụng CNTT. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của xã đã kết nối tới 33 điểm cầu trên địa bàn huyện Đại Từ và đã triển khai các phần mềm quản lý trường học, quản lý văn bản, kiểm định chất lượng giáo dục... Tại xã Sảng Mộc (Võ Nhai), đã lắp đặt 2 hệ thống loa truyền thanh thông minh, triển khai 8 km đường truyền cáp quang từ trụ sở UBND xã đến điểm trường Tiên Sơn, lắp đặt 3 bộ phát wifi miễn phí cho người dân sử dụng; tạo 98/220 tài khoản cho người dân đăng nhập và sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia… Với ATK Định Hóa, đã thực hiện số hóa 2D toàn huyện Định Hóa và số hóa 3D một số khu vực chính của ATK Định Hóa lên bản đồ số Map4D hỗ trợ phát triển du lịch lịch sử… Về cơ bản, các nội dung thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương được triển khai nhịp nhàng, nhanh chóng, quyết liệt, bước đầu mang lại hiệu quả; Nhân dân dần hình thành thói quen và tích cực tham gia sử dụng các ứng dụng, dịch vụ được triển khai.

Trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp các sản phẩm chè La Bằng (Đại Từ)
được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Voso, Lazada

Ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã La Bằng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan hoàn thiện ứng dụng Trung tâm điều hành thông minh theo định hướng chuyển đổi số của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên; hoàn thiện Bộ chỉ số kinh tế xã hội theo yêu cầu hướng tới việc kết nối báo cáo lên UBND huyện Đại Từ; triển khai Mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode); triển khai Chỉ dẫn địa lý tại xã La Bằng; triển khai Giải pháp truy xuất nguồn gốc cho hợp tác xã; đưa các sản phẩm chè La Bằng lên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Voso, Lazada… Để thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả thiết thực, phù hợp với địa phương, ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng đã nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong toàn xã để khai thác, sử dụng các dịch vụ và tích cực khai thác hiệu quả các hệ thống, ứng dụng, dịch vụ sau khi đã triển khai; bảo đảm kinh phí để duy trì thuê bao Internet và các dịch vụ sau khi đưa vào sử dụng cũng như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện. Chủ tịch UBND xã La Bằng cũng mong muốn các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho xã La Bằng được tham gia các nhiệm vụ Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030…

Các cây xanh trồng tại khuôn viên trụ sở làm việc của Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên
được quản lý bằng ứng dụng chuyển đổi số

Ngày 24/02/2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng đã ký Quyết định số 425/QĐ-UBND, lựa chọn ngày 31/12 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước có Ngày chuyển đổi số. Việc lựa chọn và công bố Ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, còn là sự kiện quan trọng để ghi dấu ấn và là hoạt động thường niên sau này để đánh giá, nhìn nhận kết quả thực hiện chuyển đổi số của tỉnh trong năm; để người dân, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ phương thức, kinh nghiệm; đồng thời giới thiệu các giải pháp, kết nối cung, cầu chuyển đổi số hiệu quả, nhằm mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng đối với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

 

Trần Nhung
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 658935