Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 3

2019-08-04 17:22:00.0

 

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa ban hành Công điện số 53/CĐ-BCH về việc chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 3.

Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, vùng áp thấp đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh và thượng nguồn sông Cầu; lượng mưa nhất đo được trong vòng 24h (từ 7h ngày 3/8 đến 7h ngày 4/8) đo được tại Sảng Mộc, Võ Nhai 114,9mm; Ký Phú (Đại Từ) 106,2mm; Chợ Chu (Định Hóa) 104,8mm...  tại trạm thủy văn Thác Riềng (Bắc Kạn) 96mm. Mực nước hồi 07h ngày 4/8, trên sông Cầu tại trạm thủy văn Gia Bẩy là 2326cm (thấp hơn mức báo động 1 là 70cm); một số hồ chứa nước đã tích đủ dung tích thiết kế.

Dự báo, đêm nay và ngày mai tại các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên có thể còn tiếp tục có mưa lớn; nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất vùng núi.

Để chủ động đối phó với diễn biến của hoàn lưu sau bão và các tình huống bất thường có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai một số nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung yêu cầu của Công điện số 52/CĐ-BCH ngày 01/8/2019 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, trong đó UBND cấp huyện tập trung rà soát các khu vực ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, các bãi thải khai thác khoáng sản, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán di dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực đã có mưa to trong thời gian qua.

2. Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ chứa đang xả lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn giao thông thông suốt trên các trục chính.

3. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác tại các ngầm, cầu tràn qua sông, suối, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư theo quy định.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra (nếu có). Chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản; bảo đảm an toàn công trình đập, hồ chứa nước, đê điều...

5. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo đảm bảo an toàn cho phương tiện vận tải, chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.

6. Sở Công Thương chỉ đạo bảo đảm an toàn hệ thống điện, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

7. Sở Xây dựng chỉ đạo bảo đảm an toàn cho các công trình xây dựng, các công trình cao tầng, công trình cột tháp cao...

8. Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thiên tai, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin đến người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.

9. Đài Phát thanh - Truyền hỉnh tỉnh, Báo Thái Nguyên tiếp tục làm tốt công tác thông tin, đưa tin kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai để người dân biết, chủ động phòng tránh.

10.  Các sở, ban, ngành theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp  với các địa phương triển khai phương án ứng phó và sẵn sàng hỗ trợ địa phương xử lý, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

11. Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo về  Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh qua Văn phòng Thường trực theo địa chỉ: Số 11A, ngõ 566, đường Lương Ngọc Quyến, thành phố Thái Nguyên. Số điện thoại: 0208.3737.113. Fax: 02083.851.318; Email: phongchongthientaithainguyen@gmail.com.

Chi tiết công điện xem tại đây

Nguồn: thainguyen.gov.vn

Tác giả: Thanh Thủy (biên tập)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 658673