Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Trăm năm chợ Chu

2017-11-08 13:50:00.0

Thị trấn chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên) giờ đây đã có khu chợ mới đàng hoàng, được xây dựng rất khang trang, có cả siêu thị tiện nghi hiện đại. Ấy thế mà cứ đến ngày phiên, giữa mù sương, trong lòng dãy phố cổ, dòng người khắp các làng xã lại đổ về dưới bóng cây đa già. Người ta đi chợ Chu không phải chỉ là để đi chợ...

Chợ phiêu bạt

Chợ Chu (thị trấn chợ Chu- Huyện Định Hóa - Thái Nguyên) là một lòng thung nhỏ nằm nép dưới chân dãy núi cao chất ngất, được hai con suối chảy vòng quanh ôm trọn. Nghe nói đây là miền linh thiêng, lại sơn thủy hữu tình, cho nên sớm được người ta nhận ra và chọn làm nơi nương trú. Là nghe nói, bởi câu chuyện về sự quần cư khởi tạo của ngôi chợ này cũng mờ mờ hư thực.


Một góc chợ Chu hôm nay.

Theo những câu chuyện mà người dân nơi đây truyền lại, năm 1870, Lường Tam Kỳ - một phó tướng của phong trào khởi nghĩa “Thái bình Thiên quốc” của nông dân Trung Quốc - sau khi đem tàn quân vượt biên giới vào Việt Nam, đã chỉ huy quân kéo vào đánh chiếm Định Hóa, lấy đây làm sào huyệt. Khi đến Định Hóa, nhận thấy thung lũng nằm dưới chân núi đá vôi có địa hình thuận lợi, những người Hoa trong đạo quân này đã chọn nơi đây làm điểm cư ngụ. Không lâu sau đó, nhiều người Kinh dưới miền xuôi chạy giặc Pháp di tản lên đến đây, thấy có thể buôn bán được, tụ họp thành khu chợ nhỏ. Rồi một cách tự nhiên, họ lấy đây làm chốn dừng chân, sinh cơ lập nghiệp. Khu chợ nhỏ ấy được gọi một cách dân dã là Chợ phiêu bạt.

Đến năm 1915, sau khi đã hoàn thành việc bình định và khống chế Định Hóa, thực dân Pháp cho xây dựng khu chợ Chu thành một thị trấn. Dãy chợ chia thành ba Quán nối tiếp chạy dài, nền thấp mà rộng, đường đi hai bên thoáng đãng, nhà dân đường bên này nghe tiếng chia đũa bên kia. Ở mỗi đầu Quán, một ngọn đèn dầu lớn được đặt trong khối tháp cao chiếu sáng cho đêm tối phố núi. Đó hẳn là một biểu tượng sang trọng mà người dân các vùng khác phải xuýt xoa thời đó.

Theo chỉ dẫn của người già, chúng tôi tìm đến gian chính giữa dãy chợ. Vẫn là nền chợ này trăm năm trước, chỉ có điều nó đã được đổ lên một lớp bê tông mỏng. Ngay bên dưới chỗ chúng tôi ngồi lại đây là giếng cũ chợ Chu. Ngày ấy, người ta khấn thổ công, cẩn thận chọn mạch nước rồi mới đào giếng. Được biết giếng này mạch tốt, dân cả chợ dùng không hết nước, sâu chừng hơn mươi mét, nước vừa trong vừa ngọt. Các quan trên ở đâu ghé về hay những người thập phương tạt qua đây bao giờ cũng phải được uống trà pha nước giếng chợ Chu mới đành lòng. Đến những năm sơ tán chống Mỹ, do điều kiện đặc thù thời chiến, người ta đành phải lấp giếng. Dưới lòng đất kia, một mạch ngầm vẫn âm ỉ, rì rầm.


Dãy bàng trăm tuổi tạo nên một không gian trầm mặc.

Câu chuyện đưa chúng tôi rảo bước về phía đầu chợ. Sừng sững. U tịch. Cây đa già án ngữ ngay trước lối vào. Cành của nó vươn dài, vươn dài ôm lấy cổng chợ. Nhìn cây đa lặng lẽ xanh, không ai đoán biết được tuổi của nó. Các cụ già sinh thời kể lại, khoảng những năm 1890 - 1900 từ xuôi di tán lên đến đây, đã thấy cây đa lớn lắm rồi. Vậy là cây đa ít nhất đã đi qua ba thế kỉ. Nó đã phải rùng mình khi làm giá treo cổ bêu đầu những người dân vì chống đối lại Lường Tam Kì mà bị bắt rồi hành hình. Nó đã từng ào ào nổi lốc khi nhân dân cùng quân cách mạng đánh phá nhà tù lính khố xanh, cướp kho thóc đặt tại sòng bạc cũ, mít tinh mừng thắng lợi của một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất cả nước trong Cách mạng tháng Tám. Sức bào mòn ghê gớm của thời gian chưa thể thắng được nó. Còn nhớ, khoảng năm 1995, cây đa bắt đầu mệt mỏi, rụng lá khô cành. Người ta vừa cầu khấn thánh thần, vừa tìm cách bồi thêm đất mới, may thay nó tươi lại và lại ngăn ngắt xanh. Bây giờ, những ngày mồng một hôm rằm, nhiều người vẫn trải chiếu đốt đèn thắp hương dưới gốc đa. Lẫn trong lá, nghe rì rào tiếng gió xưa thổi về.
 
Lòng người bám rễ

Vì những biến động của thời chiến tranh, chợ Chu bị tách - nhập quan nhiều lần. Năm 1949, ngôi chợ được sáp nhập vào xã Bảo Cường, rồi đến 1954 lại chuyển nhập vào xã Phúc Chu, mãi đến 1958 mới được tách độc lập trở lại về thị trấn chợ Chu.

Ông Lê Nhâm có lẽ là người đặc biệt gắn bó và am hiểu cặn kẽ về chợ Chu. Các cụ thân sinh của ông từ Tiền Hải - Thái Bình xa xôi vượt dặm dài lên đây. Ông sinh ra tại đây, sớm quen với cơm ăn nước uống khí thở nơi này.

Ông còn nhớ hồi nhỏ, bám chân theo thanh niên phố đi chơi chợ phiên hết buổi không nhớ về. Người ở các bản làng xuống chợ để được thưởng thức các món ăn hàng quán - thứ mà chỉ những người dân miền xuôi mới có, để mua áo quần của các hiệu may mặc hay vật dụng từ các cửa hàng gò hàn gia công sửa chữa - thứ mà chỉ người dân miền xuôi mới làm. Đồng thời, đây lại là dịp mà người phố chợ được mua những sản vật mà bản làng đưa xuống. Nhưng thật ra, mua bán chưa phải là chuyện mà người đi chợ quan tâm nhất. Người ta đến đây còn để đi chơi, gặp gỡ tâm tình. Chợ phiên hồi đó nhằm ngày 1 và ngày 6 âm lịch. Từ tối hôm trước, người ở các vùng xa đã xuống ngủ ở chợ để kịp cuộc vui hôm sau. Không biết đã bao nhiêu đôi lứa bén duyên tình từ những phiên chợ như thế...

Thị trấn giờ đây đã có khu chợ mới đàng hoàng, được xây dựng rất khang trang, có cả siêu thị tiện nghi hiện đại. Ấy thế mà cứ đến ngày phiên, giữa mù sương, trong lòng dãy phố cổ, dòng người khắp các làng xã lại đổ về dưới bóng cây đa già. Người ta đi chợ Chu không phải chỉ là để đi chợ… Người ta đi chợ để hưởng cái không khí ấy, ngắm nhìn cái không gian ấy, cảm nhận tình người tình quê ấy. Người ta đi chợ để tìm lại, giữ lại, níu lại hồn chợ cổ đã trăm năm ẩn vào trời đất.

Khoảng năm 1992, có ý kiến đề xuất phá bỏ ngôi chợ này để làm khu dân cư. Có lẽ người ta nghĩ nên xây chợ mới ở một khu rộng rãi bề thế. Ông Lê Nhâm đã thay mặt cán bộ và người dân ở đây bảo vệ bằng được ngôi chợ cổ. May mắn thay, giờ đây nó vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Vẫn những dãy nhà ấy, vẫn con đường ấy, vẫn hàng cây ấy, ngôi chợ cứ lặng lẽ trong bình yên.

Lo lắng những câu chuyện kể không đủ sức sống trong trí nhớ, nhiều năm nay ông Lê Nhân vẫn âm thầm tìm tòi, ghi chép, nghiên cứu rồi viết thành sách lịch sử. Riêng về chợ Chu, dù đã xuất bản một cuốn sách lịch sử, nhưng vẫn không yên lòng, ông tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh và đang chuẩn bị cho tái bản. Tình yêu tự nhiên và sâu sắc ấy khó mà nói thấu. Dòng thời gian thác lũ cuốn trôi nhiều dấu tích, nhưng dù cho vật đổi sao dời thì hồn chợ vẫn đâu đó rất gần, rất gần thôi.


Bài và ảnh: Phạm Văn Vũ



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 658618